Cấp độ bền bê tông là gì? Quy đổi cấp độ bền và mác bê tông như thế nào?

Cấp độ bền bê tông là gì? Làm cách nào để quy đổi cấp độ bền và mác bê tông? Vì các khối bê tông phải chịu nhiều lực tác động khác nhau trong kết cấu công trình nên việc tính toán độ bền là vô cùng cần thiết để đánh giá và xem xét một khối bê tông có đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng cho công trình xây dựng hay không. Ngay sau đây, hãy cùng Xây dựng Tiên Phong tìm hiểu về vấn đề này nhé!

Cấp độ bền bê tông là gì?
Cấp độ bền bê tông là gì?

Cấp độ bền bê tông là gì?

Cấp độ bền của bê tông là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chất lượng bê tông. Cách gọi này áp dụng theo tiêu chuẩn xây dựng TCXD 365 – 2005 thay thế cho tên gọi ta vẫn quen dùng trước đây là mác bê tông theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5574 – 1991. Vậy để hiểu rõ cấp độ bền bê tông là gì thì trước tiên ta hãy đi tìm hiểu một chút về mác bê tông.

Mác bê tông là một khái niệm đã rất phổ biến trong ngành xây dựng. Đây là đại lượng biểu thị cường độ chịu nén của bê tông ở giai đoạn 28 ngày tuổi. Tại sao lại lấy mốc là 28 ngày sau khi đổ bê tông?

Lấy mốc đo đạc tại thời điểm sau khi đổ bê tông 28 ngày là bởi sau khi đổ, quá trình đông cứng của bê tông sẽ diễn ra và cường độ bê tông cũng bắt đầu phát triển cho đến ngày thứ 28 thì đạt cường độ đông cứng hoàn toàn (trên 99%). Trên thực tế, khối bê tông vẫn sẽ tiếp tục phát triển cường độ sau đó. Tuy nhiên cường độ phát triển thêm này không đáng kể nên ta thường chọn cường độ bê tông tại thời điểm 28 ngày tuổi làm chuẩn và gọi là mác bê tông.

Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3105:1993, để đo cường độ bê tông người ta sử dụng một khối bê tông hình lập phương với kích thước 150 × 150 × 150 mm và dưỡng hộ ở điều kiện tiêu chuẩn trong vòng 28 ngày từ khi khối bê tông này ninh kết. Sau đó, đưa khối bê tông vào máy nén và tiến hành đo ứng suất nén phá hủy khối bê tông mẫu, đại lượng này đo bằng đơn vị MPa (N/mm2) hoặc đơn vị daN/cm² (kg/cm²).

Ví dụ khi nói mắc bê tông 300 nghĩa là nói đến ứng suất nén phá hủy mẫu bê tông có kích thước tiêu chuẩn và được dưỡng hộ trong vòng 28 ngày ở điều kiện tiêu chuẩn, đạt 300 kg/cm2. Theo tiêu chuẩn mới bây giờ tại Việt Nam thì đại lượng cấp độ bền bê tông (kí hiệu là chữ B) được sử dụng thay thế cho chỉ số mác bê tông (kí hiệu là chữ M).

Cấp độ bền của bê tông được xác định qua kết quả nén khối bê tông mẫu hình trụ. Nghĩa là thay vì sử dụng mẫu bê tông hình lập phương thì ta dùng mẫu hình trụ để tính toán cường độ chịu nén.

Cấp độ bền của bê tông được dùng để đánh giá chất lượng bê tông xây dựng
Cấp độ bền của bê tông được dùng để đánh giá chất lượng bê tông xây dựng

Quy đổi mác bê tông sang cấp độ bền như thế nào?

Hai đại lượng mác bê tông và cấp độ bền có thể được quy đổi sang nhau qua hệ số biến động cường độ mặc định là v = 0,135. Cấp độ bền của bê tông và mác bê tông sẽ có sự chênh lệch khoảng 10 MPa. Tuy nhiên, con số này vẫn phải phụ thuộc vào mức độ cấp ẩm. Để quy đổi mác sang cấp độ bền bê tông, ta sử dụng công thức sau:

B = α × β × M (MPa)

Trong đó:

  • α là hệ số quy đổi đơn vị từ kg/cm2 sang MPa. có thể lấy α = 0,1.
  • β là hệ số quy đổi từ cường độ trung bình sang cường độ đặc trưng. Với hệ số biến động cường độ v = 0,135 thì β = (1 – S × v) = 0,778.

Ví dụ: Xác định bê tông mác 300 cấp độ bền bao nhiêu?

Với bê tông mác 300, ta xác định được cường độ chịu nén là 28,9 MPa. Áp dụng công thức quy đổi nêu trên ta có:

B = 0,778 × 28,9 ≈ 22,5 (MPa)

Ở đây cường độ chịu nén của bê tông mác 300 đã được tính với đơn vị MPa rồi nên ta không cần nhân với hệ số quy đổi α nữa. Như vậy, sau khi quy đổi ta xác định được bê tông mác 300 có cấp độ bền là 22,5 MPa.

Quy đổi mác bê tông sang cấp độ bền như thế nào?
Quy đổi mác bê tông sang cấp độ bền như thế nào?

Bảng quy đổi cấp độ bền và mác bê tông

Về mặt bản chất, khái niệm cấp độ bền bê tông và mác bê tông có sự liên quan với nhau theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5574: 1991. Trên thực tế, mác bê tông vẫn là chỉ số được dùng nhiều trong bản vẽ kỹ thuật và sử dụng làm căn cứ nhằm tính toán lượng vật vật liệu sử dụng trong quá trình thi công cũng như thanh toán, quyết toán công trình. Vì vậy, trong tiêu chuẩn xây dựng TCXDVN 356: 2005 cũng đã cung cấp bảng thể hiện mối tương quan giữa cấp độ bền chịu kéo và chịu nén của bê tông với mác bê tông.

Tham khảo ngay bảng quy đổi cấp độ bền bê tông 
Tham khảo ngay bảng quy đổi cấp độ bền bê tông

Hiện nay trong một số hồ sơ, bản vẽ thiết kế, người ta không sử dụng chỉ số mác bê tông 100, 200, 300,… nữa mà thay vào đó là ghi cấp độ bền như B7.5, B12.5, B15,… khiến kỹ sư giám sát lúng túng. Vì vậy, để cho dễ nhớ và dễ hiểu, chúng tôi đã trích dẫn bảng quy đổi cấp độ bền và mác bê tông từ tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5574:2012 để độc giả dễ dàng theo dõi.

Bảng quy đổi cấp độ bền và mác bê tông

Cấp độ bền (B) Cường độ chịu nén Mác bê tông (M) Đơn vị tính
B3.5 4.50 50 MPa
B5 6.42 75 MPa
B7.5 9.63 100 MPa
B10 12.84 MPa
B12.5 16.05 150 MPa
B15 19.27 200 MPa
B20 25.69 250 MPa
B22.5 28.90 300 MPa
B25 32.11 MPa
B27.5 35.32 350 MPa
B30 38.53 400 MPa
B35 44.95 450 MPa
B40 51.37 500 MPa
B45 57.80 600 MPa
B50 64.22 MPa
B55 70.64 700 MPa
B60 77.06 800 MPa
B65 83.48 MPa
B70 89.90 900 MPa
B75 96.33 MPa
B80 102.75 1000 MPa

Mong rằng qua bài viết này, công ty xây dựng Tiên Phong đã giúp bạn hiểu được cấp độ bền bê tông là gì, phân biệt được các khái niệm, nắm rõ cách quy đổi mác bê tông sang cấp độ bền và áp dụng được chúng một cách hiệu quả, dễ dàng. Nếu bạn cần tư vấn và hỗ trợ gì thêm thì đừng ngần ngại mà hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline [hotline] nhé. Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi bài viết.

[lienhe]