Các loại cát xây dựng phổ biến và những lưu ý khi chọn lựa, sử dụng cát

Các loại cát xây dựng đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc tạo dựng nên những hạng mục, công trình. Tuy nhiên, lựa chọn cát vẫn còn là vấn đề băn khoăn của nhiều người. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm của các loại cát trong xây dựng, từ đó có thể chọn lựa sản phẩm phù hợp với từng hạng mục thi công. Hãy cùng theo dõi cùng với Xây dựng Tiên Phong nhé.

Các loại cát xây dựng phổ biến nhất là gì?
Các loại cát xây dựng phổ biến nhất là gì?

Cát xây dựng là gì?

Cát là dòng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên với thành phần là những hạt đá cùng các khoáng vật kích thước nhỏ, mịn. Kích thước hạt cát dao động từ khoảng 0,065mm tới 2mm theo thang đo của Mỹ là Wentworth. Ở Việt Nam, chúng ta sử dụng thang đo của Nga – Kachinski, theo đó kích thước hạt cát nằm trong khoảng 0,05 tới 1mm.

Dựa vào kích thước, người ta đã phân chia cát thành 3 loại:

  • Cát mịn: Kích cỡ hạt cát từ 0,05 đến 0,25mm.
  • Cát trung bình: Kích cỡ hạt cát từ 0,25 đến 0,5mm.
  • Cát thô: Kích cỡ hạt cát từ 0,5 đến 2mm.

Cát được cấu tạo chủ yếu bởi silica (silic dioxit – SO2), đây là hợp chất có độ cứng cao và về mặt hóa học, chúng có tính trơ (tính không phản ứng khi tiếp xúc với các chất khác) nên nguy cơ phong hóa gần như không đáng kể.

Cát thường tập trung chủ yếu ở bãi biển, bờ sông, đụn cát, cồn cát hay bãi cát ngầm dưới sông, biển. Các loại cát xây dựng hiện nay cũng chủ yếu khai thác từ những nguồn này. Ở mỗi khu vực, chúng ta sẽ khai thác được những loại cát với các đặc điểm khác nhau phục vụ nhu cầu sử dụng đa dạng của người dân.

Các loại cát xây dựng phổ biến hiện nay

Như đã đề cập phía trên, cát được phân chia thành nhiều nhóm khác nhau dựa theo kích cỡ, màu sắc, thành phần,… chứ không phải chỉ có một loại. Các loại cát trong xây dựng hiện nay được chia làm 5 loại bao gồm cát đen, cát vàng, cát xây tô, cát bê tông và cát san lấp. Thông tin chi tiết về các loại cát xây dựng này sẽ được đề cập ngay sau đây.

Cát đen

Được gọi là cát đen vì màu sắc của chúng sẫm và tối gần như màu đen. Dòng cát này không lẫn tạp chất, khá mịn với kích cỡ hạt của nhỏ. Giá bán cát đen khá rẻ so với các loại cát xây dựng trên thị trường. Do đó chúng được ứng dụng rộng rãi trong các công trình dân dụng, tòa nhà hoặc các hạng mục nhỏ. Người ta thường sử dụng cát đen với mục đích trộn vữa, tô trát, xây nhà hay san lấp mặt bằng trước khi thi công,… có 2 loại cát đen chính được cung ứng trên thị trường bao gồm:

  • Cát hạt to không chứa tạp chất, thường ứng dụng trong xây trát.
  • Cát phù sa chứa lượng tạp chất đáng kể như thực vật nhỏ, phù sa và những tạp chất khác. Dòng cát này có ứng dụng chính là làm nền, san lấp mặt bằng,…
Cát xây dựng có rất nhiều loại khác nhau
Cát xây dựng có rất nhiều loại khác nhau

Cát xây tô

Để phân biệt với các loại cát xây dựng khác, người trong ngành thường gọi cát xây tô là cát trắng hay cát tô. Cát loại này mịn và sạch, chuyên dùng trong việc tô trát tường sau khi xây. Để ứng dụng vào việc trát tường hoặc xây nhà thì cát tô cần đạt tiêu chuẩn theo quy định và được pha trộn theo đúng tỉ lệ, như vậy mới có thể đảm bảo độ bền chắc và tính thẩm mỹ cho công trình. Các tiêu chuẩn cơ bản mà cát xây tô cần đạt được bao gồm:

  • Kích cỡ trung bình đạt 0,7mm.
  • Tỉ lệ muối gốc sunfit, sunfat có trong cát không lớn hơn 1% so với tổng khối lượng. Nếu hàm lượng muối này vượt quá 1% sẽ gây ra tình trạng bong tróc tường về sau.
  • Các chất hữu cơ, bùn đất lẫn trong cát không lớn hơn 5% so với tổng khối lượng.
  • Không lẫn hạt sỏi có kích cỡ từ 5 đến 10mm ở trong cát.
  • Trong cát xây tô không được có cát vón cục dạng bán đất sét hoặc đất sét.

Cát vàng

Trong các loại cát xây dựng thì cát vàng là vật liệu phổ biến nhất trong các công trình từ nhỏ đến lớn. Chúng được sử dụng trong thi công với nhiều mục đích khác nhau nhưng ứng dụng phổ biến nhất là để xây tường, xây nhà.

Loại cát này được khai thác chủ yếu ở các con sông, mang màu vàng đặc trưng với nhiều ứng dụng đa dạng. Chúng có kích cỡ lớn hơn so với cát xây tô nên được dùng với công trình yêu cầu khả năng chịu lực tương đối. Cát vàng cũng thường được dùng để làm nền ở khu vực có độ ẩm cao như tầng 1 hoặc tầng hầm. Khi bạn có nhu cầu xây nhà bằng cát vàng thì cần chọn sản phẩm cát đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn sau:

  • Kích cỡ hạt cát từ 1,5 đến 3mm.
  • Trong cát không được lẫn tạp chất, sỏi kích cỡ lớn, vỏ ốc, vỏ sò.
  • Không chứa đất sét, bùn và các chất hữu cơ.
  • Tỉ lệ  muối gốc sunfit, sunfat trong cát không được vượt ngưỡng 1% so với tổng khối lượng.
Cát vàng có màu sắc vàng sáng, không có tạp chất
Cát vàng có màu sắc vàng sáng, không có tạp chất

Cát bê tông

Cát bê tông được bán với mức giá cao hơn các loại cát xây dựng khác. Đây là cát có kích cỡ hạt khá lớn, có thể dùng thay thế đá trong đổ bê tông. Khi sử dụng loại cát trên, bạn cần lưu ý những tiêu chuẩn sau để đảm bảo an toàn cho công trình của mình:

  • Hạt cát có kích cỡ từ 2 đến 3,3mm.
  • Tỉ lệ muối gốc sunfit, sunfat trong cát không lớn hơn 1% so với khối lượng tổng thể.
  • Tỉ lệ sỏi đường kính 5 đến 10mm trong cát tối đa là 5% trên tổng khối lượng.
  • Tỉ lệ mica dưới 1% tổng khối lượng.

Cát san lấp

Ngược lại với cát bê tông, cát san lấp là loại cát ít có giá trị nhất trong các loại cát xây dựng. Chúng được phân phối trên thị trường với mức giá khá rẻ và hầu như không phải trải qua quá trình loại bỏ các tạp chất lẫn trong cát.

Cát san lấp thường có màu đen, mịn nhưng kích thước hạt không đều nhau và lẫn nhiều tạp chất. Nhờ kích cỡ hạt nhỏ nên cát loại này hay dùng trong san lấp mặt bằng, nền nhà vì khoảng trống giữa những hạt cát là rất nhỏ nên sẽ tạo cho công trình độ bền chắc cao. Việc đổ cát san lấp mặt bằng thường ứng dụng trong những công trình thi công ở nơi đất yếu, mềm, bão hòa nước như sét pha nhão, sét nhão, bùn, than bùn,…

Một số tiêu chuẩn cơ – lý áp dụng với cát san lấp:

  • Cát san lấp có độ mịn nhất định, kích cỡ hạt nhỏ, không đồng đều và có thể chứa tạp chất.
  • Cát san lấp vốn dĩ không cần lựa chọn quá kĩ và các thông số kỹ thuật cũng không quá khắt khe như nhiều loại cát khác. Vấn đề duy nhất cần quan tâm ở dòng cát này chính là độ sạch.
  • Cát có thể lẫn tạp chất nhưng hàm lượng tạp chất cũng không nên quá nhiều để đảm bảo hiệu quả của lớp cát đệm.

Cách chọn lựa và sử dụng cát xây dựng hiệu quả

Làm thế nào để chọn được các loại cát xây dựng có chất lượng tốt luôn là vấn đề khiến nhiều người tiêu dùng đau đầu vì mức độ quan trọng của chúng. Hiểu được khó khăn này, chúng tôi xin chia sẻ một vài cách đơn giản để giúp việc chọn lựa các loại cát trong xây dựng của bạn trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn:

  • Trước khi quyết định mua hàng, bạn cần đánh giá sơ bộ chất lượng cát. Bạn có thể lấy tay bốc 1 nắm cát và nắm chặt lại, nếu có nhiều bùn hoặc chất bẩn bám trên tay thì không nên chọn. Trường hợp đã mua rồi bạn cần rửa cát bằng nước trước khi thi công để loại bỏ bớt lượng bùn đất, tạp chất này.
  • Trong cát không được lẫn vỏ sò, đá sỏi, đất sét hay tồn đọng mica. Bnaj cũng có thể sử dụng lưới lọc để loại bỏ tạp chất này, nâng cao chất lượng cát xây dựng.
  • Một điều mà bạn cũng cần chú ý đó là cát không được bị nhiễm mặn, nhiễm phèn.
Cần lọc sạch tạp chất trong cát trước khi sử dụng để tránh ảnh hưởng đến công trình xây dựng
Cần lọc sạch tạp chất trong cát trước khi sử dụng để tránh ảnh hưởng đến công trình xây dựng

Ngoài việc chọn lựa cát chất lượng thì việc dùng đúng loại cát phù hợp với mục đích xây dựng cũng là điều quan trọng không kém. Để tránh việc sử dụng các loại cát trong xây dựng không phù hợp, mời bạn theo dõi những thông tin sau đây:

  • Đối với nhu cầu trát tường, xây nhà hoặc ốp lát, cát đen là vật liệu được khuyên dùng.
  • Sử dụng cát có kích cỡ hạt nhỏ để trát tường là sai lầm thường hay gặp và cũng là điều mà chủ đầu tư ít để ý nhất. Loại cát phù hợp nhất trong việc trát tường là cát có kích cỡ hạt trung bình. Bạn nên để ý vấn đề này trong quá trình thi công để đảm bảo chất lượng cũng như tính thẩm mỹ cho công trình.
  • Trước khi tiến hành thi công, cát cần được làm sạch, đặc biệt là những loại cát dùng để xây, đổ bê tông hoặc trát tường.
  • Tuyệt đối không sử dụng cát lấy trực tiếp từ biển để thi công vì hàm lượng Clo chứa trong cát sẽ làm sắt thép bị xói mòn, khả năng chịu tải từ đó sẽ giảm đi, kết quả là làm giảm tuổi thọ của công trình. Bên cạnh đó, muối có trong cát biển cũng hấp thụ nhiều độ ẩm trong không khí khiến công trình  ẩm ướt.

Hy vọng những thông tin xoay quanh các loại cát xây dựng trên đây đã giúp bạn hiểu rõ về cát, đặc điểm, ứng dụng của từng loại cát cũng như phân biệt được các loại cát trong xây dựng để vấn đề này không còn là điều khiến bạn băn khoăn khi chọn lựa vật liệu thi công cho công trình của mình.

[lienhe]